Cùng với sự tiến bộ của công nghệ hỗ trợ, nhu cầu thanh toán số và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đồng tiền mã hóa khu vực tư nhân như Bitcoin, Ethereum hay Libra… NHTW của nhiều quốc gia bắt đầu nghiên cứu và lên kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số (hay tiền số NHTW – central bank digital currencies – CBDCs) của chính mình.
Sau đồng tiền kỹ thuật số của NHTW Bahamas (có tên Sand Dollar), đồng tiền kỹ thuật số của NHTW Campuchia (có tên Bakong) đã chính thức “lên sóng”. Tiếp đó, Trung Quốc là quốc gia có triển vọng trong cuộc đua toàn cầu về tiền kỹ thuật số của các NHTW. Quốc gia này đã tiến hành các thử nghiệm đồng nhân dân điện tử (có tên DCEP) ở một số thành phố lớn với mục tiêu quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Vậy các loại tiền kỹ thuật số mới do NHTW phát hành này là gì và tại sao các NHTW lại tạo ra chúng? Nó khác gì so với đồng tiền mã hóa khu vực tư nhân? Bài viết sau giúp giải đáp những vấn đề cơ bản đó.
- Tiền số NHTW (CBDC) là gì?
Tiền tệ kỹ thuật số của NHTW có thể được hiểu là tiền truyền thống, nhưng ở dạng kỹ thuật số, do NHTW của một quốc gia phát hành và quản lý. Chúng khác với các loại tiền điện tử phi tập trung, bao gồm cả bitcoin, dựa trên công nghệ blockchain, với mỗi giao dịch được xác minh bởi một mạng máy tính.
Tiền số NHTW có hai hình thức: CBDC giao dịch lẻ giữa các cá nhân thanh toán trong kinh doanh, mua sắm và giao dịch lẫn nhau và CBDC giao dịch sỉ giữa các định chế tài chính thực hiện giao dịch qua các thị trường tài chính.
- CBCD khác gì so với đồng tiền mã hóa khu vực tư nhân?
Để đảm bảo quyền lực phát hành tiền tệ và khả năng thi hành hiệu quả chính sách tiền tệ, CBDC sẽ chỉ được phát hành bởi NHTW, qua đó cho phép tính pháp lý của CBDC như một đồng tiền pháp định. Khác với Libra hay phần lớn các đồng tiền kỹ thuật số khác được quản lý và vận hành bởi các cộng đồng phân tán.
- So sánh với Bitcoin
Về bản chất, tiền có 3 chức năng cơ bản: Trung gian trao đổi; Đơn vị thanh toán; Dự trữ giá trị. Bitcoin hay một số dạng tiền số, tiền ảo do khu vực tư nhân phát hành có thể tham gia vào chức năng dự trữ giá trị (chủ yếu dưới dạng đầu cơ), còn lại ai chức năng trung gian trao đổi và đơn vị thanh toán hiện chưa được công nhận.
Các nhà kinh tế cho rằng các loại tiền này khó có thể thay thế tiền pháp định (fiat money) của Quốc gia do 3 lý do: Kinh tế không thể phát huy tốt 3 chức năng cơ bản của tiền tệ; Kỹ thuật đào Bitcoin quá tốn kém và chi phí; Chính trị gặp phải rào cản của Chính phủ và các NHTW luôn muốn duy trì quyền kiểm soát tiền tệ và hệ thống tài chính.
- So sánh với tiền toàn cầu mới – Libra của Facebook
Libra dựa trên ý tưởng của loại tiền tệ ổn định (stable coin) và có tính toàn cầu. Đồng Libra có thể sử dụng làm phương tiện thanh toán thay thế cho các đồng tiền quốc gia trong các giao dịch xuyên biên giới, và cung cấp mạng lưới thanh toán đến hàng tỷ người dân chưa được tiếp cận ngân hàng (hơn 2,3 tỷ người dùng Facebook toàn cầu). Giá trị của Libra gắn chặt vào giá trị trung bình có trọng số của bảng Anh, Đô la Mỹ, Đồng Euro, Đô la Sing và Yên Nhật. Chủ quyền tiền tệ đang được cho là đang và sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu Libra hình thành. Ý tưởng hình thành đồng tiền này sớm gặp phải sự phản ứng dữ dội từ nhiều quốc gia và các nhà chính trị trên toàn thế giới.
- Động lực phát hành tiền số NHTW (CBDC) của các quốc gia trên thế giới
Thứ nhất, Xu hướng tập trung vào CBDC bắt nguồn từ việc người tiêu dùng đang ngày càng xa rời tiền mặt – điều có thể làm suy yếu một trong những chức năng cơ bản của NHTW.
Trong môi trường nơi cả khách hàng và người bán ngày một ít sử dụng tiền mặt vì toàn bộ hệ sinh thái đang chuyển lên các nền tảng số hóa, các NHTW cần tìm một lựa chọn thay thế tiền mặt theo dạng kỹ thuật số, nhưng về mặt khái niệm vẫn gần với đồng tiền truyền thống nhiều nhất có thể. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, cho hay người dân nên coi CBDC như một dạng giấy bạc ngân hàng và là một “cách thức mang đồng tiền do các NHTW phát hành lên các cơ sở hạ tầng hiện đại hơn”.
Thứ 2, Sự ra đời của đồng tiền toàn cầu mới – Libra đe dọa chủ quyền tiền tệ của các quốc gia.
Ông Grant Wilson, người đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty chiến lược đầu tư Exante Data nói rằng phần lớn nghiên cứu về CBDC đã được đẩy nhanh sau khi Facebook bắt đầu dự án phát triển đồng tiền kỹ thuật số có tên là Libra (nay được gọi là Diem). Các NHTW nhận định diễn biến này có thể mang lại nhiều tác động tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính của quốc gia. Do vậy, nếu không thể cấm hoàn toàn, họ quyết định sẽ có những dự án tương tự Libra để giảm thiểu rủi ro.
- CBCD mang lại lợi ích gì cho hệ thống tài chính và người dân
* Lợi ích đối với hệ thống tài chính
– Với CBDC, các ngân hàng trung ương sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến.
Điều đó sẽ làm giảm các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính gây ra bởi sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán tư nhân thuần túy. Và một số người có thể muốn có tùy chọn giữ ít nhất một số lượng tiền kỹ thuật số của mình trên một nền tảng chính thức đáng tin cậy.
– CBDC là một phương tiện có nhiều ưu điểm giúp NHTW điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả.
Hệ thống CBDC có chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với hệ thống dựa trên tiền mặt và khả năng phòng chống rửa tiền và giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật tốt hơn do việc xác minh toàn bộ người dùng cuối và khả năng truy soát tất cả mọi giao dịch..
- Lợi ích đối với người dân
– Gia tăng khả năng tiếp cận và tính sẵn có của các sản phẩm và dịch vụ tài chính (financial inclusion)
CBDC cũng có thể trở thành một phương tiện để đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính cho những nhóm không có tài khoản ngân hàng. Tại các quốc gia nghèo hơn, các NHTW hy vọng rằng tiền tệ kỹ thuật số sẽ đưa những công dân đang không dùng dịch vụ của hệ thống ngân hàng vào hệ thống tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế.
– Tăng cường sự truyền dẫn của chính sách tiền tệ (monetary policy transmission)
Chúng bao gồm cho phép người dùng thanh toán ngay lập tức, giải quyết giao dịch nhanh hơn và chi phí thấp hơn, đặc biệt là đối với các thanh toán xuyên biên giới. Những dạng tiền kỹ thuật số mới có thể tạo ra một cú huých quan trọng không kém đối với vai trò ‘phao cứu sinh’ của kiều hối đối với người nghèo và các quốc gia đang phát triển.
– Tính an toàn và hữu hiệu thanh toán (payment safety and efficiency)
Các đồng tiền kỹ thuật số của NHTW sẽ được hưởng lợi từ công nghệ tương tự như các đồng tiền điện tử tư nhân, nhưng tính bảo mật cao hơn do sử dụng công nghệ “private blockchain” do Chính phủ các quốc gia xây dựng riêng chứ không phải trên nền tảng blockchain công khai; có thể sử dụng máy đào hoặc một phương thức nào đó để sinh ra đồng tiền như các đồng tiền kỹ thuật số của khu vực tư nhân.

Như vậy, tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành sẽ đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu phát triển. Đây là một xu thế tất yếu của tương lai, song tiền điện tử sẽ không thay thế tiền pháp định bằng vật chất (giấy, kim loại…) hoặc các tài sản tương đương tiền mà sẽ phát triển song song.
Không ít các NHTW cũng dù thừa nhận lợi ích mang lại của đồng tiền kỹ thuật số nhưng vẫn có sự thận trọng, cân nhắc về công tác giám sát, quản lý các giao dịch để ngăn ngừa gian lận, rủi ro khi cho phép phát hành đồng tiền này. Cũng như Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, đã nói rằng Mỹ muốn “làm đúng hơn là đi đầu” trên lĩnh vực tiền kỹ thuật số.
————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Thủ tướng Chính phủ (2021), “Quyết định số 942-QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
- Châu Văn Thành (2021), “Tiền số Ngân hàng Trung ương: Vận hành và thử nghiệm“, Đại học kinh tế TP HCM.
- https://www.sbv.gov.vn
- https://www.bis.org
ThS. Nguyễn Thị Thu Trang
Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng