Trang chủ / Cafe Kinh tế / Những bước quan trọng nhà đầu tư cá nhân cần thực hiện trước khi gia nhập thị trường chứng khoán

Những bước quan trọng nhà đầu tư cá nhân cần thực hiện trước khi gia nhập thị trường chứng khoán

Tính đến ngày 15/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.367 điểm, tăng 28,4% so với thời điểm 6 tháng trước đó. Mức tăng này được coi là ấn tượng, nhất là trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Lý do của sự khởi sắc này được cho là nhờ dòng tiền mạnh mẽ bơm vào thị trường, và một khi thị trường khởi sắc, nó lại hút thêm dòng tiền từ nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Hiện nay, có một hiện tương là rất nhiều nhà đầu tư cá nhân lần đầu gia nhập thị trường (thường được gọi là nhà đầu tư F0) chọn mua cổ phiếu một cách cảm tính hoặc chọn theo tư vấn của môi giới mà không có sự phân tích hợp lý. Thực tế, nhiều người trong số họ vẫn lãi với cách mua bán cổ phiếu như vậy, điều đó đủ khiến họ hài lòng. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, việc mua bán cổ phiếu theo cách trên sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn trong tương lai cho chính các nhà đầu tư F0.

Vậy các nhà đầu tư F0 nên làm gì để có sự lựa chọn đầu tư hợp lý. Sau đây là những bước quan trọng mà nhà đầu tư cá nhân lần đầu gia nhập thị trường cần xem xét trước khi đặt lệnh mua đầu tiên.

Phiên giao dịch chiều ngày 16/06/2021

Bước 1: Xác định muốn làm “nhà giao dịch” (trader) hay “nhà đầu tư” (investor)

Đều là những người thực hiện các hành động mua bán trên thị trường chứng khoán nên nhiều người có thể đồng nhất hai khái niệm nhà giao dịch và nhà đầu tư, tuy nhiên thực tế hai vai trò này hoàn toàn khác nhau.

“Nhà giao dịch – Trader” thường kiếm tiền bằng cách lướt sóng cổ phiếu, tức là thực hiện giao dịch với tần suất lớn, dự đoán diễn biến giá bằng việc sử dụng các phân tích kỹ thuật để mua khi giá giảm và bán khi giá tăng, kiếm lợi nhuận trên cơ sở biến động giá cả trong ngắn hạn. Điển hình thành công của những nhà giao dịch là George Soros.

Trong khi đó, “Nhà đầu tư – Investor” kiếm tiền bằng cách đầu tư dài hạn vào cổ phiếu, tần suất mua bán một mã cổ phiếu thường thấp hơn Nhà giao dịch, sử dụng các phương pháp định giá cơ bản để xác định giá trị tiềm năng của doanh nghiệp, từ đó mua vào ở thời điểm giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị định giá, kiếm lợi nhuận dựa vào cổ tức và việc tăng giá cổ phiếu trong thời gian dài. Điển hình thành công trong nhóm Nhà đầu tư là Warren Buffett.

Dù là giao dich (trading) hay đầu tư (investing) thì nhà giao dịch và nhà đầu tư đều chịu những rủi ro nhất định. Thật khó để đưa ra so sánh chính xác rằng rủi ro của bên nào lớn hơn. Chỉ biết rằng, nếu muốn là một Nhà giao dịch, hãy nên tập trung vào các phân tích kỹ thuật và tài chính hành vi để dự đoán xu hướng giá thay vì chỉ nghe theo một lời chỉ dẫn nào đó xung quanh mà không có sự đánh giá lại hợp lý.

Còn nếu muốn trở thành một Nhà đầu tư, những bước tiếp theo đây sẽ cần được quan tâm trước khi quyết định mua bán.

Bước 2: Xác định mục đích khi đầu tư

Về cơ bản, có 3 nhóm nhà đầu tư tương ứng với các mục đích đầu tư khác nhau như sau:

  • Nhóm 1: Nhà đầu tư muốn có thu nhập bằng tiền đều đặn
  • Nhóm 2: Nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận tương đối tốt với rủi ro thấp
  • Nhóm 3: Nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng mạnh hơn mức trung bình thị trường, sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Sau khi xác định mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào, nhà đầu tư sẽ cần đi đến bước số 3

Bước 3: Chọn loại cổ phiếu nào để đáp ứng mục đích đầu tư

  • Với Nhà đầu tư nhóm 1: Muốn có thu nhập bằng tiền đều đặn

Những nhà đầu tư này thường sẽ chọn những cổ phiếu của các công ty trả cổ tức bằng tiền đều, đó thường sẽ là các công ty đã ở giai đoạn phát triển ổn định, có doanh thu và lợi nhuận đềukhông có nhu cầu tăng trưởng lớn. Do doanh thu và lợi nhuận ổn định nên công ty có nguồn trả cổ tức, do không có nhu cầu tăng trưởng lớn nên công ty sẽ không cần giữ lại nhiều lợi nhuận để tái đầu tư, từ đó có thể trả cổ tức bằng tiền cho nhà đầu tư thay vì trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không trả cổ tức. Lưu ý, các cổ phiếu loại này thường thanh khoản thấp do người nắm giữ ít có nhu cầu bán.

Giữa rừng các cổ phiếu niêm yết, làm sao nhận diện các cổ phiếu đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư nhóm 1? Thường các cổ phiếu cần tìm trong nhóm này sẽ là:

  • Cổ phiếu ngành tiện ích
  • Cổ phiếu công ty giáo dục
  • Với Nhà đầu tư nhóm 2: Kỳ vọng lợi nhuận tương đối tốt với rủi ro thấp

Những nhà đầu tư này thường sẽ chọn cổ phiếu của các công ty đã phát triển ổn định trong một thời gian dài, có uy tín trên thị trường. Các công ty này có thể trả cổ tức bằng tiền đều hoặc có thể không khi nó muốn mở rộng quy mô nhưng nhìn chung giá cổ phiếu của các công ty này ít biến động giảm mạnh, đảm bảo tiêu chí rủi ro thấp cho nhà đầu tư.

Các cổ phiếu đáp ứng nhu cầu nhóm này thường là các cổ phiếu blue-chip. Cổ phiếu blue-chip thường được các công ty có vốn hóa thị trường lớn phát hành, ở Việt Nam có thể kể đến như cổ phiếu của Vinamilk, Vingroup, FPT, Vietcombank,…

  • Với Nhà đầu tư nhóm 3: Kỳ vọng giá cổ phiếu tăng mạnh hơn mức trung bình thị trường, sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Những nhà đầu tư này thường sẽ chọn cổ phiếu của các công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng, có tiềm năng tăng mạnh về doanh thu mặc dù lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng này có thể không ổn định.

Để chọn ra các cổ phiếu đáp ứng yêu cầu của nhóm này, nhà đầu tư cần phải cập nhật thông tin liên tục trên các phương tiện truyền thông. Một trong những lĩnh vực có cổ phiếu loại này là lĩnh vực công nghệ.

Bước 4: Đánh giá sơ bộ để chọn ra cổ phiếu tốt

Sau bước 3, nhà đầu tư đã có cho mình sự tập trung vào một ngành hay một nhóm cổ phiếu nào đó. Ở bước 4 này, nhà đầu tư so sánh các cổ phiếu đó dựa theo mục đích đầu tư.

Ví dụ:

– Nhà đầu tư nhóm 1 sẽ tập trung so sánh tỷ lệ trả cổ tức của các công ty

Tỉ lệ chi trả cổ tức = Cổ tức/Thu nhập ròng

– Nhà đầu tư nhóm 2 có thể tập trung vào mức độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty

– Nhà đầu tư nhóm 3 có thể tập trung vào lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, những kế hoạch ra sản phẩm mới của công ty,…

Kết quả bước 4 là nhà đầu tư có được một danh sách cô đọng các cổ phiếu có thể đầu tư.

Tiếp theo, nhà đầu tư cần xác định mức giá mua hợp lý

Bước 5: Xác định mức giá mua hợp lý

Để thực hiện được điều này, nhà đầu tư nên quan tâm các tiêu chí sau:

  1. Tỷ số P/E: là tỷ số giữa giá hiện tại cổ phiếu trên lợi nhuận mà một cổ phiếu đem lại trong quá khứ.

So sánh P/E của cổ phiếu đang cân nhắc với P/E của các cổ phiếu trong cùng ngành, cổ phiếu nào có P/E cao hơn chứng tỏ nhà đầu tư phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một cổ phiếu đem lại lợi nhuận ít hơn, và ngược lại.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư trả tiền để có được lợi nhuận tương lai, do đó P/E tính theo cách trên có thể cao nhưng nhà đầu tư phân tích thấy công ty có cơ hội tăng lợi nhuận lớn trong tương lai thì quyết định mua vẫn là hợp lý.

  • Tỷ số P/S: tỷ số giữa giá cổ phiếu hiện tại với doanh thu công ty trong quá khứ.

P/S có thể dùng thay thế cho P/E trong trường hợp công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng khi mà lợi nhuận của công ty có thể không ổn định hoặc chưa có lãi.

So sánh P/S của cổ phiếu đang cân nhắc với các cổ phiếu trong cùng ngành, cổ phiếu nào có P/S cao hơn chứng tỏ nhà đầu tư phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một cổ phiếu đem lại doanh thu ít hơn, và ngược lại.

Tương tự như P/E ở trên, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến triển vọng doanh thu tương lai để có cái nhìn toàn diện trước khi quyết định mua.

  • Mô hình chiết khấu dòng tiền

Mô hình này đòi hỏi nhà đầu tư đưa ra dự đoán có cơ sở về doanh thu, lợi nhuận, chi phí, từ đó tính được dòng tiền tương lai của công ty, chiết khấu các dòng tiền tương lai này về hiện tại, từ đó tính ra giá trị hiện tại của cổ phiếu công ty, chia giá trị này cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ có được giá hợp lý hiện tại của cổ phiếu.

  • Mô hình chiết khấu cổ tức

Nguyên tắc tương tự mô hình chiết khấu dòng tiền, nhưng thay vì dự đoán dòng tiền và chiết khấu thì với mô hình này, nhà đầu tư cần dự đoán cổ tức doanh nghiệp trả trong tương lai, sau đó chiết khấu về hiện tại để từ đó tìm ra giá hợp lý hiện tại của cổ phiếu.

Việc tự tính toán các chỉ số và mô hình trên có thể không dễ dàng với các nhà đầu tư không có kiến thức chuyên sâu về tài chính. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể lấy các thông số này tại các ứng dụng hỗ trợ đầu tư như FireAnt, Finpro, các báo cáo tư vấn của các công ty chứng khoán, các trang báo như cafef.vn, finance.vietstock.vn, …

Ngoài ra, có một lời khuyên an toàn cho nhà đầu tư đó là, nhà đầu tư có thể lựa chọn mua ở mức giá thấp hơn mức giá hợp lý được xác định từ mô hình định giá, đây cũng là một trong những bí quyết đầu tư thành công của Warren Buffett.

Đối với cổ phiếu của công ty có lợi nhuận ổn định và triển vọng tốt, mức giá mua có thể chỉ cần thấp hơn 10% so với mức giá xác định từ mô hình.

Đối với cổ phiếu của công ty đang tăng trưởng với lợi nhuận khó đoán trước, mức giá mua có thể thấp hơn từ 15% – 30% so với mức giá xác định từ mô hình, tùy thuộc vào mức độ tự tin của nhà đầu tư vào độ chính xác của mô hình định giá.    

Đến đây, khi đã có trong tay các căn cứ hợp lý, kết hợp với mục đích đầu tư đã được xác định, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu một cách có cơ sở. Nếu được tư vấn một mã cổ phiếu nào đó, nhà đầu tư cũng có thể đi các bước kể trên để đánh giá lại cổ phiếu đó có nên đầu tư hay không.

ThS. Lê Quỳnh Anh

Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Đại Nam

Có thể bạn quan tâm

Người thuyền trưởng con tàu Tài chính – Ngân hàng (FIB)

Nói về những điểm nổi bật của khoa TCNH, có lẽ điều đầu tiên chúng …