
Mục lục
Ngân hàng số là gì?
Hầu hết chúng ta hẳn không còn xa lạ với những ngân hàng như Vietcombank, Bản Việt, VPbank, TPbank, MSB, VIB.
Vậy còn Digital Lab, Timo plus, Yolo, Live bank, Tnex, MyVIB thì sao?
Sự phát triển công nghệ trong ngân hàng đưa ra một thuật ngữ là “digital banking” – ngân hàng số.
Ngân hàng số được hiểu là một hình thức ngân hàng hoạt động trên nền tảng Internet không cần đến chi nhánh, khách hàng sử dụng các sản phẩm của ngân hàng thông qua các ứng dụng. Ngân hàng số không chỉ tổn tại ở mảng ứng dụng ngân hàng mà còn tồn tại theo mô hình phòng giao dịch tự động online thay thế một chi nhánh ngân hàng ví dụ như mô hình Live bank của TPbank tại Việt Nam.
Việc phát triển ngân hàng số là tất yếu bởi nó phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Ngân hàng số giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức trong các giao dịch tài chính với ngân hàng, với các nhà cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống.
Đồng thời, với ngân hàng số, các ngân hàng có thể phục vụ tốt hơn cho nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, ngân hàng số có thể giúp các ngân hàng giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng khoảng 31% nhưng lại làm tăng lợi nhuận ròng tới khoảng 43%.

Công nghệ phát triển, ngân hàng số là hướng đi tất yếu
Tại Việt Nam, Digital Lab, Timo plus, Yolo, Live bank, Tnex, MyVIB lần lượt là tên các ngân hàng số của Vietcombank, Bản Việt, VPbank, TPbank, MSB, VIB, đây là những ngân hàng hàng đầu trong việc đầu tư công nghệ số cho hoạt động ngân hàng.
Một số công nghệ đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng số có thể kể đến là eKYC, T’Aio, Chatbox. EKYC là công nghệ định danh điện tử. Với công nghệ này, khách hàng có thể ngồi tại nhà để mở tài khoản ngân hàng 24/7 bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.
T’Aio là ứng dụng trợ lý ảo của TPbank và Chatbox là ứng dụng trợ lý ảo của VietABank. Các ứng dụng này có thể tư vấn khách hàng các thông tin về lãi suất, tỷ giá, sản phẩm, biểu phí…, giải đáp khách hàng các thắc mắc về địa điểm, phí giao dịch, quy trình mở thẻ.
Ngoài ra, một số ngân hàng đã triển khai SMART FORM là hệ thống tự động hóa các quy trình đăng ký, thay đổi dịch vụ, ví dụ như MBBank, nhờ đó làm giảm thời gian thực hiện tại quầy xuống còn trung bình 3 – 5 phút (không tính thời gian chờ đợi và phê duyệt hồ sơ).
Một số ngân hàng sử dụng phần mềm để phân tích thông tin khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của họ để đưa ra quyết định cho vay, ví dụ như BIDV sử dụng phần mềm Watson.
Đặc biệt, TPbank đã cho ra mắt ngân hàng số Live bank. Live bank có một hệ thống các điểm ngân hàng không nhân viên mà tại đó khách hàng thực hiện các thao tác với hệ thống máy với quy trình nhanh chóng.

Để Ngân hàng số đi nhanh và đi đúng hướng thì các Ngân hàng cần làm gì?
Trong quá trình chuyển đổi số này, các ngân hàng cũng gặp những thách thức nhất định như: rủi ro an ninh mạng; hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu; chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp phát triển của ngân hàng số; khả năng thiếu lao động có kỹ năng đáp ứng điều kiện mới.
Để tạo điều kiện cho ngân hàng số phát triển trong thời gian tới, một số vấn đề cần được quan tâm hoàn thiện là:
- Thúc đẩy xây dựng nền tảng công nghệ
Để triển khai ngân hàng số thành công, dữ liệu nên được xây dựng thành những cơ sở dữ liệu tập trung.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Các chính sách, quy định liên quan đến ngân hàng số cần được hoàn thiện ví dụ như chính sách tạo dựng nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu công dân quốc gia; quy định về quy trình định danh khách hàng điện tử; luật và quy định về an ninh mạng.
- Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cho ngân hàng số
Các ngân hàng cũng nhận định việc thiếu trầm trọng ứng viên chất lượng cao đang là một trong những trở ngại lớn với quá trình chuyển đổi số hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cho các tổ chức đào tạo cần đẩy mạnh nghiên cứu các chương trình đào tạo phù hợp để tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số.
Th.S Lê Quỳnh Anh
Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Đại Nam