Nhìn lại khoảng tháng 04/2020 khi dịch covid-19 lần đầu bùng phát ở Việt Nam đến mức Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thị trường chứng khoán bị tác động mạnh với hầu hết các mã cổ phiếu giảm sâu. Đến cuối tháng 04/2020, VN-Index chỉ ở mức hơn 700 điểm.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, tình hình có nhiều khác biệt. Mặc dù dịch covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thậm chí còn diễn biến xấu hơn đầu 2020 với số ca mắc tăng mạnh nhưng thị trường chứng khoán lại liên tục tăng trưởng về cả điểm số lẫn số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường. Tính đến tháng 09/2021, chỉ số VN-Index đã ở mức trên 1300 điểm. Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tài khoản mở mới đã nhiều hơn tổng số tài khoản mới của cả năm 2019 và 2020. Vậy đâu là động lực cho sự tăng trưởng này? Câu trả lời có thể kể đến các lý do sau:
Mục lục
Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương
Nổi bật nhất thời gian gần đây là việc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU – EVFTA chính thức tạo tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau khi có hiệu lực chính thức vào ngày 1/8/2020. Các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp thủy sản và dệt may. Điều này cũng lý giải phần nào cho sự quan tâm của các nhà đầu tư cho các mã chứng khoán của các công ty xuất nhập khẩu thủy sản thời gian qua.
Khả năng nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi
Việc xếp hạng các thị trường chứng khoán thế giới hiện nay dựa trên bộ tiêu chí do tổ chức FTSE (Financial Times Stock Exchange Group) đưa ra. Theo đó có 4 nhóm thị trường là: phát triển, mới nổi tiên tiến, mới nổi sơ cấp, và cận biên. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm cận biên nhưng đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư lớn hơn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài và tất nhiên, khi thị trường có dòng tiền mạnh thì đó sẽ là động lực lớn để tăng trưởng. Trước xu thế đó, nhiều nhà đầu tư trong nước đã đổ tiền vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng thị trường sớm được nâng hạng.
Nền lãi suất thấp
Cho đến tháng 8/2021, mức lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 năm đã giảm trung bình khoảng 1,5% so với giai đoạn trước đó. Lãi suất bắt đầu giảm khi nền kinh tế gặp khó do dịch covid-19. Việc điều chỉnh giảm lãi suất là một phần của chính sách tiền tệ nới lỏng của chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế. Lãi suất giảm khiến cho nhà đầu tư không còn mặn mà gửi tiền tại ngân hàng, thay vào đó họ rút ra để đầu tư vào các kênh sinh lợi tốt hơn mà thị trường chứng khoán là một trong các kênh đầu tư đó.
Các kênh đầu tư thay thế không đủ hấp dẫn
Có thể thấy rằng tại Việt Nam, nhà đầu tư ưa thích đầu tư vào bất động sản, vàng, và kế đến là đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản hơn một năm trở lại đây có những khó khan nhất định, ví dụ như việc chậm tiến độ do dịch covid-19, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, có ít dự án mới được phê duyệt. Các yếu tố này dẫn đến tăng giá bất động sản cũng như khan hiếm sản phẩm đầu tư, dẫn đến giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư này.
Ngoài ra, kênh đầu tư vàng cũng không còn quá hấp dẫn khi mà giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới tới 17 %.
Do đó, kênh đầu tư chứng khoán trở thành lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư.
Như vậy, có thể thấy rằng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do covid-19 là có căn cứ và cơ sở nhất định, điều này làm giảm mối lo về bong bóng thị trường. Trong thời gian tới, thị trường vẫn có những lý do để tiếp tục phát triển, có thể kể đến như:
- Số lượng nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam tuy tăng mạnh gần đây nhưng tổng số mới chiếm khoảng 3% dân số cả nước. Tỷ lệ này chỉ ngang với Đài Loan vào năm 1986 trong khi vào năm 2017, tỷ lệ này tại Đài Loan là khoảng 90%.
- Tại Việt Nam, chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán là 5%, và mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ này là 10%.
- Không chỉ đông về số lượng, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam cũng tăng cao là tín hiệu tích cực. Bằng chứng cho thấy vừa qua, sàn HOSE đã bị tắc nghẽn và phải nhanh chóng nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với các thông tin kể trên, chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng và đặt kỳ vọng vào kênh đầu tư chứng khoán trong thời gian tới.
Thạc sỹ Lê Quỳnh Anh
Khoa Tài chính Ngân hàng – Trường Đại học Đại Nam